Biểu hiện u xơ tử cung?

Lanhuong@gmail.com

Do cấu tạo giải phẫu vùng tiểu khung bao gồm: phía trước là bàng quang, giữa là tử cung và sau là trực tràng, do đó khi có kinh nguyệt, tử cung thường to hơn bình thường nên chèn ép vào trực tràng gây đau khi đại tiện và chèn vào bàng quang gây tiểu nhiều lần. Hơn nữa, máu kinh là hiện tượng bong lớp niêm mạc tử cung theo chu kỳ nên khi có sự chảy máu kinh, tử cung sẽ co bóp để tống ra ngoài gây đau bụng dưới. Cảm giác đau ở mỗi người có khác nhau, có người đau nhiều, có người đau ít.

Những người có tư thế tử cung ngả sau thường đau hơn so với tư thế trung gian. Ở những người bị u xơ tử cung cũng có thể gây đau khi đại tiện. Nhiều trường hợp không có triệu chứng. Trường hợp của bạn nếu đau nhẹ, không ảnh hưởng tới sinh hoạt thì bạn cứ yên tâm không cần lo lắng, nhưng nếu đau nhiều kèm kinh nguyệt kéo dài (7-10 ngày) lượng ra nhiều, máu cục... thì rất có thể bạn có u xơ tử cung.

Mặc dù u xơ tử cung là bệnh lành tính nhưng nếu u xơ to có thể chèn ép lên niệu quản gây thận ứ nước; chèn ép bàng quang gây tiểu nhiều lần; ngoài ra có thể là nguyên nhân gây chậm có thai hoặc vô sinh tương đương 27%; dễ sẩy thai, tăng nguy cơ viêm nội mạc tử cung... Để biết chắc chắn, bạn nên đi khám bác sĩ sản phụ khoa, chỉ cần siêu âm qua ổ bụng là biết có u xơ hay không?

BS. Kim Oanh

Thai phụ dùng thuốc chống động kinh có thể không hại đến thai nhi

Thai phụ dùng thuốc chống động kinh có thể không hại đến thai nhi

Theo nghiên cứu này, trẻ có mẹ dùng thuốc chống động kinh khi mang thai không phải đi khám thường xuyên hơn so với những trẻ không bị phơi nhiễm thuốc này.

Các nghiên cứu trước đây cho thấy rằng, dùng thuốc chống động kinh trong thời gian mang thai có thể gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi và ảnh hưởng tới não bộ đang phải triển của trẻ.

Nghiên cứu này gồm 963.010 trẻ được sinh trong khoảng từ năm 1997 đến 2012, trong đó có 4.478 trường hợp sử dụng thuốc chống động kinh khi mang thai. Những trẻ là con của các bà mẹ dùng thuốc chống động kinh được đánh giá về số lần phải gặp bác sĩ và dạng khám, ngoại trừ các cuộc kiểm tra và tiêm phòng.

Kết quả cho thấy, trẻ phơi nhiễm với các thuốc chống động kinh chỉ phải gặp bác sĩ nhiều hơn 3% so với những trẻ không bị phơi nhiễm thuốc. Không có sự khác biệt về dạng khám giữa những trẻ phơi nhiễm và không phơi nhiễm.

Đồng tác giả nghiên cứu Anne Mette Lund Wurtz cho biết: “Các kết quả này của chúng tôi làm yên lòng những phụ nữ cần phải dùng thuốc chống động kinh khi mang thai, bao gồm những phụ nữ bị động kinh”. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí BMJ Open.

BS P.Liên

(theo Univadis / UPI)

Cách đúng bổ sung canxi cho mẹ bầu

Tôi mang thai tuần thứ 18, thỉnh thoảng thấy đau nhức cơ bắp, bị chuột rút. Mới đây đi khám qua xét nghiệm bác sĩ chẩn đoán thiếu canxi. Xin bác sĩ tư vấn giúp tình trạng này có nguy hiểm không? Bổ sung canxi trong thai kỳ thế nào cho đúng cách?

Đặng Thị Nguyện (Đăk Nông)

Trong thai kỳ nếu thiếu canxi, thai phụ sẽ cảm thấy mệt mỏi, đau nhức cơ bắp, tê chân, đau lưng, đau khớp, chuột rút,... nặng hơn nữa là lên cơn co giật do hạ canxi huyết quá mức. Thai nhi thiếu canxi sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng ngay khi còn trong bụng mẹ, bị còi xương bẩm sinh, biến dạng các xương gây dị hình, lùn thấp...

Thai phụ cần cung cấp đủ canxi trong thời kỳ mang thai.

Mỗi ngày trong thời kỳ mang thai, thai phụ cần đáp ứng đầy đủ lượng canxi cần thiết cho cơ thể (đủ 800mg/ngày canxi trong 3 tháng đầu, 1.000mg/ngày trong 3 tháng giữa và 1.500mg/ngày trong 3 tháng cuối và khi nuôi con bú).

Sữa là nguồn cung cấp canxi tốt nhất, hàm lượng tương đối nhiều, tỷ lệ hấp thu cao. Các thức ăn hải sản chứa hàm lượng canxi như: tôm, cua, ngao, sò và trứng... Phô mai, rau màu xanh đậm và trái cây cũng có cung cấp canxi nhưng do hàm lượng axit có trong các sản phẩm này dễ tạo nên các hợp chất canxi khó hòa tan, hiệu quả không bằng các thực phẩm nêu trên.

Để bổ sung đủ canxi, thai phụ phải uống viên canxi theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Các thuốc có chứa canxi: calci-corbie, calci D, calci sandoz... Để tăng hấp thu canxi, theo khuyến cáo nên uống vào buổi sáng, sau ăn và nên uống cách viên sắt trong vòng 30 phút.

Bác sĩ Ngọc Vân

Sữa mẹ và cách cho con bú

Sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ

Sữa mẹ rất thích hợp với trẻ sơ sinh vì chúng có đầy đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, vitamin, muối khoáng với tỉ lệ thích hợp cho sự hấp thu và phát triển cơ thể của trẻ một cách hợp lý, tránh sự tăng cân quá mức. Nếu trẻ được bú mẹ, trẻ sẽ được lớn nhanh, phòng được tình trạng suy dinh dưỡng, giúp trẻ thông minh, không bị thiếu vitamin A, thiếu máu do thiếu sắt; không bị thiếu chất canxi, phospho...

Cho trẻ bú sữa mẹ đúng phương pháp là một yêu cầu cần thiết

Đồng thời, sữa mẹ cũng là chất dịch thể sinh học tự nhiên chứa nhiều chất kháng khuẩn, tăng cường chất đề kháng cho trẻ, tăng cường thị lực cho mắt của trẻ. Trong sữa mẹ còn có những yếu tố bảo vệ cơ thể cho trẻ mà không thể có loại thức ăn nào có thể thay thế được, đó là các globulin miễn dịch chủ yếu là IgA (immunoglobulin A) có tác dụng bảo vệ cơ thể của trẻ chống lại các bệnh đường ruột và bệnh nhiễm khuẩn; vì vậy trẻ bú được sữa mẹ thường ít khi bị mắc bệnh. Sữa mẹ cũng có tác dụng chống dị ứng vì trên thực tế ghi nhận trẻ bú sữa mẹ ít bị dị ứng và eczema hơn là bú sữa bò.

Ngoài ra, việc cho trẻ bú sữa mẹ rất thuận lợi cho sinh hoạt của người mẹ và phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Trẻ bú sữa mẹ thuận lợi cho sinh hoạt của người mẹ vì thực tế không cần dụng cụ, không cần đun nấu và pha chế, không mất thời gian chuẩn bị, không phụ thuộc vào giờ giấc và bất kỳ lúc nào cũng có thể cho trẻ ăn bú được ngay. Trẻ bú sữa mẹ cũng phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình vì không cần phải mua sữa, không cần dụng cụ pha chế sữa để sử dụng như dùng loại sữa bò. Một vấn đề cần được quan tâm là khi người mẹ có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, tinh thần thoải mái thì sẽ có đầy đủ sữa cần thiết cho con bú. Việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng là cơ hội, điều kiện để gắn bó tình cảm của mẹ con, người mẹ và con trẻ được gần gũi nhau hơn; đây là yếu tố tâm lý quan trọng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần của trẻ. Người mẹ nuôi con bằng sữa của chính mình sẽ góp phần ngăn ngừa sự mang thai, hạn chế sinh đẻ trong thời gian nuôi con còn nhỏ do khi cho trẻ bú sữa, tuyến yên sẽ tiết ra chất prolactin có tác dụng ức chế sự rụng trứng, giảm khả năng sinh đẻ, đồng thời giảm được tỉ lệ ung mắc thư vú.

Cách cho con bú sữa mẹ

Bú sữa mẹ là một hoạt động phản xạ tự nhiên của trẻ khi mới chào đời. Tuy nhiên, người mẹ cần phải có kiến thức và hiểu biết cần thiết để cho trẻ bú đúng phương pháp nhằm bảo đảm nguồn sữa mẹ đến được với trẻ một cách đầy đủ và hợp lý.

Sau khi trẻ được sinh ra trong vòng nửa giờ, tốt nhất là người mẹ nên cho trẻ bú sữa ngay; không chờ cho có hiện tượng căng sữa hay xuống sữa mới cho trẻ bú vì việc chờ đợi như vậy sẽ làm cho sữa càng tiết xuống chậm hơn và càng dễ bị mất sữa. Lưu ý cho trẻ bú càng sớm càng tốt vì sữa mẹ được tiết theo cơ chế phản xạ, nếu trẻ càng bú sớm thì càng có tác dụng kích thích tiết sữa sớm; việc trẻ được bú sữa non sẽ có khả năng được bảo vệ tốt và ngăn ngừa sự nhiễm bệnh. Động tác bú sữa của trẻ còn giúp cho người mẹ sớm co hồi tử cung, có tác dụng cầm máu sau khi sinh. Cần cho trẻ nằm gần người mẹ để tạo điều kiện thuận tiện đối với việc cho con bú. Số lần cho trẻ bú sữa mẹ không nên hạn chế, không theo quy định giờ giấc mà nên theo yêu cầu của trẻ kể cả ban ngày lẫn ban đêm. Người mẹ càng ít sữa càng cần cho trẻ bú nhiều để kích thích sự bài tiết sữa của vú.

Khi cho trẻ bú sữa, người mẹ phải ở tư thế nằm hoặc ngồi một cách thoải mái, cho trẻ áp sát vào mẹ, đầu và thân trẻ nằm thẳng, đỡ phần mông nếu trẻ nhỏ. Mặt trẻ quay vào vú mẹ, mũi trẻ đối diện với núm vú, người mẹ có thể dùng tay nâng vú cho trẻ dễ bú. Cằm trẻ phải tỳ vào vú mẹ, miệng mở rộng, môi dưới hướng ra ngoài quầng vú, phía trên miệng nhiều hơn ở phía dưới. Để miệng trẻ ngậm sâu vào quầng đen bao quanh núm vú để trẻ mút dễ hơn. Sau khi trẻ ngậm bắt vú tốt, trẻ sẽ mút chậm và mút sâu. Thời gian bú sữa tùy theo từng đứa trẻ nhưng phải bảo đảm cho đến khi trẻ tự rời vú mẹ. Nếu trẻ bú chưa đủ lượng sữa cần thiết thì chuyển sang vú phía bên kia. Lưu ý nên cho trẻ bú kiệt sữa một bên vú rồi mới chuyển sang vú còn lại để trẻ có thể mút được nguồn sữa cuối của một bữa bú vì nguồn sữa này rất giàu chất béo. Trẻ bú được xem là có hiệu quả nếu thấy vú mẹ căng lên trước khi bú và trở nên mềm ra sau mỗi bữa bú, người mẹ cảm thấy thoải mái và dễ chịu trong khi cho con bú sữa.

Cần nhớ rằng khi trẻ lớn lên từ 4 - 6 tháng tuổi vẫn tiếp tục cho trẻ bú hoàn toàn bằng nguồn sữa mẹ kể cả khi trẻ bị bệnh hoặc bị tiêu chảy. Nếu trẻ bị sinh non, yếu không bú được hoặc mẹ bị ốm nặng hay mắc một số bệnh không thể cho trẻ bú được thì vắt sữa cho trẻ uống bằng thìa. Các nhà khoa học khuyến cáo nên cho trẻ bú kéo dài trong khoảng thời gian từ 18 - 24 tháng hoặc lâu hơn, không nên cai sữa cho trẻ trước 12 tháng.

Khi cai sữa cho trẻ cần chú ý:

Không nên cai sữa cho trẻ quá sớm khi chưa có đầy đủ thức ăn thay thế hoàn toàn các bữa bú sữa mẹ. Không nên cai sữa cho trẻ vào mùa hè nóng nực, trẻ kém ăn. Không nên cai sữa cho trẻ đột ngột vì dễ gây sang chấn tinh thần, làm trẻ quấy khóc, biếng ăn. Không nên cai sữa cho trẻ khi trẻ bị ốm hoặc bị tiêu chảy vì thức ăn thay thế, trẻ chưa có thể thích nghi được sẽ làm tăng rối loạn tiêu hóa, dễ bị suy dinh dưỡng. Sau khi cai sữa, cần có các thức ăn thay thế để bảo đảm đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ nhất là chất đạm như thịt, cá, trứng, đậu, đỗ...; chất béo như dầu, mỡ và các loại rau quả...

Lời khuyên thầy thuốcNgười mẹ mang thai phải xác định rằng sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ trong những tháng năm đầu tiên của cuộc đời khi trẻ được sinh ra. Vì vậy, người mẹ cần có những kiến thức và sự hiểu biết đầy đủ, cần thiết về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ để bảo vệ nguồn sữa cho trẻ từ lúc bắt đầu mới mang thai cho đến khi cho con bú. Cách cho con bú sữa đúng phương pháp cũng là một yêu cầu quan trọng, cần thiết để trẻ có thể tiếp nhận được nguồn sữa mẹ một cách hoàn chỉnh nhằm giúp trẻ lớn lên và phát triển bình thường.

BS. NGUYỄN TR M ANH

Mẹ tăng cân quá ít khi mang thai, con dễ gặp vấn đề sức khỏe tâm thần

Tuy nhiên, tác giả nghiên cứu Euan Mackay thuộc Học viện Karolinska cho biết, các kết quả này chỉ cho thấy mối liên quan chứ không chứng minh quan hệ nhân quả. Bên cạnh đó, theo Viện sức khỏe tâm thần quốc gia Hoa Kỳ, bệnh tâm thần phân liệt khá hiếm, ảnh hưởng tới chỉ khoảng 1% dân số.

Mẹ tăng cân quá ít khi mang thai, con dễ gặp vấn đề sức khỏe tâm thần

Sử dụng thông tin từ đăng ký sức khỏe và dân số Thụy Điển, Mackay và các đồng nghiệp đã thu thập dữ liệu từ hơn 526.000 người, được sinh trong khoảng từ năm 1982 đến 1989. Các nhà nghiên cứu đã tập hợp dữ liệu từ tuổi 13 cho đến hết năm 2011.

Kết quả cho thấy, tại thời điểm năm 2011, gần 3.000 người bị một dạng rối loạn tâm thần, với hơn 700 người bị tâm thần phân liệt. Trong số những người bị các rối loạn tâm thần, khoảng 6% có mẹ tăng cân rất ít khi mang thai. Mackay cho rằng, suy dinh dưỡng có thể đóng vai trò đáng kể trong các kết quả này. Tuy nhiên, không thể loại trừ một số nguyên nhân khác. Ví dụ, tăng không đủ cân cũng có thể chỉ báo một tình trạng sức khỏe ảnh hưởng tới cả bà mẹ và bào thai đang phát triển. Cần nghiên cứu thêm để tìm hiểu mối liên quan giữa cân nặng của mẹ và nguy cơ bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ, Mackay gợi ý.

Các tác giả nghiên cứu cũng cho rằng, nguy cơ là thấp do không nhiều phụ nữ bị suy dinh dưỡng trong hầu hết các nhóm dân cư. Thai phụ cũng không cần quá lo lắng về các kết quả này trừ khi họ đang bị thiếu cân ở mức trầm trọng trong quá trình mang thai. Các kết quả này cũng không có nghĩa là bà bầu cần phải tăng cân thật nhiều để bảo vệ con khỏi bệnh tâm thần phân liệt. Trong quá trình mang thai, phụ nữ nên ăn uống lành mạnh và đúng cách, đảm bảo đáp ứng các hướng dẫn về chế độ ăn khi mang thai.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí JAMA Psychiatry ngày 22/2.

BS P.Liên

(Theo Healthday)

Lợi ích bất ngờ về sức khỏe khi sinh con muộn

Hầu hết mọi người đều cho rằng sinh con khi còn trẻ sẽ đảm bảo sức khỏe cho người mẹ và cũng tránh cho trẻ mắc một số bệnh lý về tâm thần, vận động như hội chứng Down, tự kỷ... Tuy nhiên, bên cạnh đó, khoa học cũng chỉ rõ những lợi thế bất ngờ của người phụ nữ lớn tuổi mới sinh con đối với bản thân và con cái của họ.

Lợi ích đối với người mẹ

Sống lâu hơn: Theo một nghiên cứu năm 2016 của 28.000 phụ nữ Hoa Kỳ, những người có con đầu tiên sau tuổi 25 có tuổi thọ 90 cao hơn 11% so với những bà mẹ trẻ hơn. Một nghiên cứu năm 2014 tại Mỹ cũng đưa ra số liệu khẳng định điều này, cụ thể, những phụ nữ sinh con sau tuổi 33 có tuổi thọ 95 cao hơn 50% so với những phụ nữ có con lần cuối khi họ 29 tuổi hoặc ít hơn. Chưa có câu trả lời chính xác cho hiện tượng này nhưng các nhà khoa học giải thích rằng có thể các bà mẹ lớn tuổi hơn trở nên khỏe mạnh hơn sau khi sinh con nên có tuổi thọ cao hơn.Sinh con muộn có thể giúp mẹ trẻ hơn và bé thông minh hơn.

Sinh con muộn có thể giúp mẹ trẻ hơn và bé thông minh hơn.

Thời gian khỏe mạnh kéo dài hơn: Một nghiên cứu tại Mỹ về những bà mẹ đã sinh con sau 50 tuổi bằng hiến trứng cho thấy họ có mức năng lượng và chức năng thể chất tương tự như phụ nữ có con trong độ tuổi 30 và 40. Điều này cho thấy thời gian khỏe mạnh của họ kéo dài hơn so với phụ nữ sinh con ở lứa tuổi sớm hơn.

Có trí nhớ tốt hơn: Theo nghiên cứu của Đại học California (Mỹ), trên 830 phụ nữ sau mãn kinh về trí nhớ, lập kế hoạch, mức độ tập trung, thị giác và thời gian phản ứng thì những người sinh con lần cuối sau tuổi 35 đạt điểm cao nhất về các bài kiểm tra trí nhớ bằng lời (như đọc lại danh sách hay kể lại câu chuyện). Về vấn đề này, các nhà khoa học cũng chưa hiểu rõ tại sao hiện tượng này lại xảy ra nhưng có thể khi những người phụ nữ lớn tuổi có con thì lượng estrogen và progesterone không bị giảm sút mà vẫn giữ ở mức ổn định có tác dụng bảo vệ và phát triển các chức năng của não.

Lợi ích dành cho con

Tình cảm hơn: Đây là phát hiện mới nhất từ một nghiên cứu mới của 4.741 bà mẹ và trẻ em ở Đan Mạch được xuất bản trong tạp chí châu u về Tâm lý học phát triển. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi cả mẹ và con của họ theo thời gian và kiểm tra khi trẻ 7, 11, 15 tuổi và phát hiện các bà mẹ lớn tuổi thường sử dụng ít hình phạt hơn bằng lời nói và roi vọt hơn các bà mẹ nhỏ tuổi. Trẻ em của các bà mẹ lớn tuổi cũng có ít vấn đề hành vi, xã hội và tình cảm hơn trẻ em của các bà mẹ trẻ tuổi, ít nhất là ở các điểm 7 và 11 tuổi. Giải thích hiện tượng này, các nhà nghiên cứu cho rằng, ngoài yếu tố thu nhập và giáo dục thì nguyên nhân chính là trẻ được chỉ bảo, dạy dỗ từ những người mẹ lớn tuổi có sự kiên nhẫn và kiên định lớn hơn so với những người mẹ trẻ tuổi.

Cao hơn và thông minh hơn: Theo một nghiên cứu đánh giá về dân số và phát triển năm 2016 của Thụy Điển, các nhà điều tra đã khảo sát 1,5 triệu người, bao gồm cả nam, nữ và phát hiện ra rằng những người sinh ra từ những bà mẹ lớn tuổi thì khỏe mạnh hơn, có điểm tốt hơn khi đi học và có lợi thế ít nhất về chiều cao so với những người sinh ra từ các bà mẹ trẻ tuổi. Về vấn đề này, các nhà khảo sát vẫn chưa đưa ra lời giải thích rõ ràng nhưng đã đưa ra một số giả thuyết: có thể người mẹ lớn tuổi mới sinh con là người có sức khỏe tốt để trải qua thời kỳ mang thai và sinh đẻ khó khăn nên đã truyền những gene mạnh mẽ này cho con của họ; có thể những bà mẹ lớn tuổi là những người trì hoãn việc sinh con để tập trung vào công việc nên họ trở thành người thành đạt và giàu có nên chăm sóc con cái với chế độ dinh dưỡng tốt hơn.

Sinh con muộn có trở thành xu hướng phổ biến?

Mặc dù sinh con khi đã nhiều tuổi, người phụ nữ có thể phải đối diện với những vấn đề khi mang thai như sảy thai, khó sinh... và trẻ được sinh ra từ người mẹ lớn tuổi cũng có nguy cơ về sức khỏe và sự phát triển như nhẹ cân, mắc bệnh tự kỷ, chậm phát triển... nhưng lại đang trở thành xu hướng phổ biến ở các nước phát triển do họ được chăm sóc y tế tốt hơn nên có thể ngăn ngừa được những nguy cơ về sức khỏe cho cả mẹ và trẻ khi sinh ra. Ở Thụy Điển, 25% số trẻ sinh ra từ phụ nữ 35 tuổi trở lên. Ở Đan Mạch, tỷ lệ trẻ em sinh ra từ phụ nữ trên 40 tuổi đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 1985. Ở Hoa Kỳ, năm 2000, tuổi của mẹ sinh con lần đầu từ 25-26 tuổi nhưng đến nay đã cao hơn rất nhiều do đặc điểm công việc và lợi thế y tế.

Lê Mỹ Giang

((Theo Health, 3/2017))

5 thay đổi lối sống giúp kiểm soát bệnh lạc nội mạc tử cung

Nguyên nhân chính xác gây lạc nội mạc tử cung vẫn chưa được làm rõ. Nhưng dường như có mối tương quan mạnh mẽ giữa những lối sống và tình trạng này. Những thay đổi lối sống dưới đây sẽ giúp bạn có thể kiểm soát tình trạng lạc nội mạc tử cung:

Đảm bảo giấc ngủ chất lượng

Giấc ngủ đêm tốt có thể khiến bạn trông tươi trẻ và tràn đầy sức sống ngày hôm sau. Thiếu ngủ cấp hoặc mạn tính có thể ảnh hưởng tới hệ nội tiết từ đó dẫn tới thay đổi các mô hình bài tiết hormon. Vì vậy hãy đảm bảo ngủ đủ giấc bằng bất cứ giá nào.

Đừng quên tập thể dục

Vai trò của tập thể dục trong việc làm giảm estrogen dư thừa trong cơ thể đã được chứng minh. Vì vậy hãy duy trì tập thể dục thường xuyên để giảm các triệu chứng bệnh.

Theo dõi cân nặng

Nhiều phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung bị thừa cân. Họ được khuyên giảm trọng lượng qua việc duy trì chế độ ăn uống và tập luyện thích hợp. Duy trì nhật kí thực phẩm để tính toán lượng calo hấp thu và tiêu tốn.

Ăn uống đúng cách

Hãy ăn nhiều hoa quả, rau, các loại hạt và chất béo lành mạnh. Tăng cường hấp thu nhiều chất xơ và cảnh giác với những thực phẩm chế biến, đặc biệt là nếu nó chứa monosodium glutamat. Nhớ rằng, ngay cả những thay đổi nhỏ trong chế độ ăn đôi khi cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong tình trạng của bạn.

Từ bỏ các thói quen xấu

Tránh xa rượu và giảm sự phụ thuộc vào caffein. Gan chịu trách nhiệm loại bỏ oestrogen dư thừa ra khỏi cơ thể. Rượu làm tăng gánh nặng cho gan, ảnh hưởng tới khả năng hoạt động của gan. Caffein có thể làm tăng hàm lượng oestrogen, gây lạc nội mạc tử cung hoặc làm cho tình trạng bệnh trầm trọng hơn.

Giảm căng thẳng và tăng cường thư giãn

Có thể có mối tương quan giữa stress và lạc nội mạc tử cung. Có nhiều phụ nữ bị stress trong cuộc sống bị lạc nội mạc tử cung. Hãy tìm cách thư giãn hoặc tham gia những hoạt động giảm stress hoặc bằng cách nói chuyện, chia sẻ với bạn bè.

BS Thu Vân

Theo THS

http://www.thehealthsite.com/diseases-conditions/lifestyle-changes-you-can-make-to-manage-endometriosis-k0117/

BS Thu Vân

(Theo THS)